Toàn văn bài phát biểu của PGS.TS. Nguyễn Thế Dũng tại Ngày Hội Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022

bởi quản trị viên | Ngày đăng: 25-04-2022


Phát biểu của Hiệu trưởng nhân Ngày sách và Văn hoá đọc 21/4/2022

     PGS.TS. Nguyễn Thế Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.

1. Vai trò của sách

     Như chúng ta đã biết, Sách có một vai trò rất lớn, đó là góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Bỡi vì, Sách chứa đựng những tri thức của nhân loại đã được đúc kết và kiểm chứng trong một thời gian rất dài, sách tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Xưa kia sách được viết, in trên các chất liệu lá, tre, trúc, vải lụa; thời gian gần đây được xuất bản trên chất liệu giấy, hiện nay hiện đại hơn thì sách ở dạng e-book... Dù tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào thì sách vẫn có vai trò quan trọng với con người chúng ta.

     Hiểu một cách khác, Sách lưu trữ lại toàn bộ những tri thức, những tinh hoa trí tuệ của con người về mọi lĩnh vực khoa học, lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Sách như một người bạn, một vật phẩm vô giá của nhân loại. Ngày nay, số lượng sách ngày càng nhiều với đủ các thể loại khác nhau giúp ích cho con người nhiều mặt trong cuộc sống. Do vậy, đọc sách đã trở thành một hoạt động quen thuộc, một nhu cầu không thể thiếu, một nét đẹp văn hóa vô cùng nhân văn của con người.

        Lời Bác Hồ dạy năm xưa: “Học ở trường, học ở sách vở, ...”

       Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản Vladimir Ilyich Lenin nổi tiếng là người ham đọc sách, Người đã nói:  “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản."

       Nhà văn Mac-xim-Gorki đã nói: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”.

      Những lời nói trên của các vĩ nhân đã khẳng định vai trò quan trọng của sách đối với việc nâng cao tri thức của con người.

      2. Xây dựng và Phát triển Văn hoá đọc

      Ở nhiều nước phương Tây, Văn hóa đọc đã định hình. Trong sinh hoạt hằng ngày, mọi người hầu như đều cầm trong tay một cuốn sách để đọc ở mọi nơi, mọi lúc có thể. Còn ở Việt Nam thì hầu như chưa có thói quen này, gần đây khi công nghệ phát triển, con người gần như dành nhiều thời gian để dán mắt vào màn hình của chiếc điện thoại.

      Ở nước ta, từ khi thành lập nước, nhiều loại hình, hệ thống thư viện do nhà nước đầu tư, gần đây còn có cả tư nhân, cộng đồng cũng thành lập tủ sách, thư viện, nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách của mọi người dân. Tuy nhiên, sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước cơ bản đầy đủ, nhưng vẫn còn nhiều thư viện vẫn rất ít người sử dụng. Trong những năm gần đây, Nhà nước bắt đầu có chủ trương phát triển Văn hóa đọc:

      Trước tiên, vào ngày 15/03/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 329/QĐ-TTg, Phê duyệt đề án phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đệ trình. Có lẽ đây là tín hiệu đầu tiên Chính phủ đã khẳng định các cơ quan, tổ chức phải truyền thông, tổ chức và thực hiện Phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng để cho mọi người dân nhận thức, tiếp cận và thực hiện việc đọc sách như một thói quen, một nhu cầu không thể thiếu, đó là nâng cao, tích lũy kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, phát triển tư duy, tạo môi trường giáo dục, học tập suốt đời và rèn luyện nhân cách con người.

      Ngày 21/11/2019, lần đầu tiên Quốc hội nước ta đã biểu quyết với số phiếu đồng thuận rất cao thông qua Luật số 46/2019/QH14 về Thư viện, luật bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/07/2020. Trong luật này, đã dành một điều để xác định nội dung, hình thức Phát triển Văn hóa đọc. Từ thời điểm này, ngày 21 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý, một chủ trương đã được luật hóa nhằm đưa việc đọc sách trở thành một hoạt động Văn hóa không thể thiếu đối với mọi người dân.

     Trưng bày sách tại Ngày Hội Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022.

      Mới đây nhất, ngày 04/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, các địa phương tổ chức Ngày Sách và văn hoá đọc Việt Nam. Trong quyết định này nêu rõ 3 mục đích:

      1. Khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.

      2. Tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

      3. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

      Từ chủ trương này, trong những ngày qua, nhiều cơ quan, tổ chức ở hầu hết các địa phương trong cả nước đã tổ chức Ngày hội Sách và văn hoá đọc năm 2022 với  chủ đề “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc”, hơn lúc nào hết từ trước đến nay, Văn hóa đọc được truyền thông, quảng bá rộng rãi, khơi dậy phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân. Hy vọng, qua đợt hoạt động này, phong trào đọc sách ở nước ta bắt đầu khởi sắc, Văn hóa đọc hình thành rõ nét và số lượng người đọc gia tăng với số lượng nhiều hơn trong mọi thời gian.

     3. Hoạt động Phát triển Văn hoá đọc tại Trường Đại học Văn hóa TP. HCM

      Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Hồ Chí Minh là một cơ sở đào tạo không nằm ngoài phạm vi phải có trách nhiệm thực hiện Phát triển Văn hóa đọc. Với lợi thế là một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực làm công tác thư viện cho đất nước, chúng tôi càng nhận thức và thực hiện chủ trương này của Nhà nước có tính trách nhiệm và tiên phong.

      Ba năm gần đây, mặc dù dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhưng năm nào Nhà trường cũng chỉ đạo cho Trung tâm Thông tin, Thư viện Trường tổ chức Ngày hội sách và thường xuyên tuyên truyền vai trò của sách, vận động viên chức - người lao động và sinh viên – học viên đọc sách. Đọc sách không những để tận hưởng những nội dung trong sách mà còn góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong Nhà trường, tạo lập lại và phát triển thói quen đọc sách, lan tỏa và phát triển Văn hóa đọc trong Nhà trường.

      Bốn nhiệm vụ mà BGH Trường đã giao, Trung tâm Thông tin, Thư viện Nhà trường đã thực hiện tốt trong thời gian vừa qua, như trong báo cáo của đồng chí Nguyễn Hải Gian đã trình bày đó là:

     1. Tạo lập nguồn tài nguyên thông tin số, trang bị phần mềm để mọi người trong Trường thông qua phương tiện qua Internet có thể đọc, sử dụng sách, tài liệu thư viện trong mọi không gian và thời gian mà không nhất thiết phải đến thư viện.

     2. Bổ sung nguồn lực thông tin, tạo cơ chế đọc, sử dụng sách, tài liệu thuận lợi cho VC-NLĐ, đặc biệt là người học tiếp cận sử dụng Nguồn tài nguyên thông tin hiện có của Thư viện Trường dễ dàng.

     3. Thực hiện chủ trương của Bộ VHTTDL tổ chức cuộc thi, để tuyển chọn Đại sứ văn hóa đọc, và hôm nay Trường công bố 10 sinh viên chính thức làm Đại sứ Văn hóa đọc của Trường.

     4. Thường xuyên thực hiện Triễn lãm sách, tạo sự đa dạng, kích thích phong trào đọc sách, tuyên truyền sách, hướng tới Phát triển Văn hóa đọc trong Nhà trường.

      Thay mặt Tập thể lãnh đạo Trường, tôi biểu dương tình thần trách nhiệm của Trung tâm thông tin thư viện Trường và các viên chức của Trung tâm. Rất mong Trung tâm thông tin thư viện Trường làm tốt và hiệu quả hơn công tác này trong thời gian tới.

     PGS.TS. Nguyễn Thế Dũng - Hiệu trưởng Nhà trường trao tặng giấy khen cho tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển Văn hóa đọc giai đoạn 2019-2021.

      Sách có vai trò rất quan trọng đối với con người, Phát triển Văn hóa đọc là hành động Văn hóa, là một hoạt động nhân văn đối với mọi người.

     Thay mặt tập thể lãnh đạo Trường tôi kêu gọi tất cả VC-NLĐ và sinh viên - học viên hãy, phải đọc sách. Thực hiện đọc sách như một hành động thường nhật, một thói quen của đời sống tinh thần. Rất mong các sinh viên đã được Trường công nhận là Đại sứ văn hóa đọc sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ mình là Đại sứ của Văn hóa đọc.

      Năm 2022 Ngày hội Sách và văn hoá đọc có chủ đề “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc”. Trung tâm Thông tin, Thư viện của Trường tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa hơn nữa để Phát triển Văn hóa đọc đạt nhiều kết quả cao hơn trong Nhà trường. Và năm 2022, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã triển khai Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc với chủ đề "Khát vọng phát triển đất nước." Hôm nay Nhà trường phát động để VC-NLĐ và SV-HV tiếp tục tham gia để trở thành Đại sứ Văn hoá đọc năm 2022.

Xin kính chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công đến tất cả chúng ta./.

PGS.TS. Nguyễn Thế Dũng.

Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.

 

Từ khóa:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN