Sách hay tìm đọc tháng 10-2021

bởi quản trị viên | Ngày đăng: 11-10-2021


 

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10/2021

ĐÀO NƯƠNG

VÀ NGHỆ THUẬT HÁT TRONG CA TRÙ

Lê Thị Bạch Vân

“Ca trù là một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt. Loại hình nghệ thuật này đã có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài. Ca trù vừa mang tính dân gian vừa mang tính bác học. Đó là loại hình nghệ thuật tổng hợp của nhiều yếu tố. Ngoài giọng hát của đào nương, còn có sự phối hợp của 3 nhạc khí: phách, đàn đáy và trống chầu. Ca trù là sự kết hợp tuyệt vời giữa thanh nhạc, khí nhạc và văn chương. Trong các yếu tố hợp thành ấy, giọng hát của đào nương là quan trọng nhất. Không có giọng hát ca trù thì không thể có ca trù.

Dòng chảy của ca trù đã trải qua nhiều thăng trầm cùng với tiến trình biến đổi, phát triển của xã hội Việt Nam. Trước năm 1991, sinh hoạt ca trù chìm lắng dần, chìm lắng tới mức tưởng như biến mất vĩnh viễn trong đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà. Sau 1991, CLB ca trù Hà Nội đầu tiên của Việt Nam ra đời, hoạt động tích cực, giới thiệu được những nét đặc sắc của nghệ thuật này cũng như gióng lên hồi chuông báo động việc bảo tồn, phục dựng ca trù. Phải đến năm 2009, khi ca trù của Việt Nam đã được ghi trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể nhưng cần bảo vệ khẩn cấp của Tổ chức UNESCO, thì ca trù mới thực sự được quan tâm thích đáng hơn.

Là một người gắn bó và tâm huyết cả cuộc đời vì tiếng phách, tiếng trống chầu của nghệ thuật ca trù, nghệ sĩ Bạch Vân đã dày công biên soạn cuốn sách “Đào nương và nghệ thuật hát trong ca trù” với mong muốn góp phần nhất định vào công cuộc chấn hưng ca trù hiện nay. Đối tượng nghiên cứu chủ yếu của công trình là các nghệ nhân hát trong ca trù cổ truyền còn sống tới nửa cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI ở Hà Nội và một vài địa phương ở miền Bắc. Công trình cũng đề cập tới những nghệ sĩ, ca sĩ chuyên nghiệp, nghiệp dư thuộc thế hệ trẻ có tham gia hát ca trù”.

Cuốn sách có kết cấu gồm 3 chương:                    

Chương I: Khái quát về ca trù

Chương II: Đào nương

Chương III: Nghệ thuật hát trong ca trù

Ngoài ra, với mong muốn cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về đào nương và nghệ thuật ca trù, tác giả đã cẩn trọng đưa vào cuốn sách phần phụ lục gồm 4 nội dung sau đây:

  1. Điểm lại một số đào nương lưu danh trong sử sách
  2. Các thể cách hát trong môi trường cửa đình
  3. Một số bài thơ, bài viết liên quan đến ca trù, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội theo dòng thời gian
  4. Danh sách nghệ nhân và người am hiểu cung cấp tư liệu cho cuốn sách.

Ngoài ra, trong cuốn sách còn có hình ảnh ghi lại các buổi biểu diễn, các buổi sinh hoạt ca trù được in với màu sắc đẹp mắt.

Cuốn sách được Nhà xuất bản Hà Nội in ấn, phát hành năm 2019

Trung tâm Thông tin, Thư viện trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

       KHXG: 781.620 095 97 Đ108N

       Số ĐKCB: L21B031189

Nơi lưu trữ và phục vụ: Cơ sở 1, số 51 Quốc Hương, Phường Thảo Điền, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ khóa: