Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thư viện

bởi quản trị viên | Ngày đăng: 22-11-2019


VHO- Chiều 21.11, với 91,51% ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thư viện. Sau khi được Quốc hội ấn nút thông qua, Luật Thư viện sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2020. Cùng với đó, Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28.12.2000 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

 

 

Theo Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Luật gồm 6 chương 52 điều. Các đại biểu tham gia biểu quyết thông qua dự án Luật gồm 446 người. Trong đó số đại biểu tán thành là 442 người, chiếm 91,51%, không tán thành là 0 và số đại biểu không biểu quyết là 4, chiếm tỉ lệ 0,83%. “Như thế đa số các đại biểu đã tán thành với việc thông qua dự án Luật”, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội nói.

 

 

Chủ nhiệm Uỷ ban VH,GD,TN,TN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật

Trước khi biểu quyết thông qua dự án Luật, Quốc hội cũng đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban VH,GD,TN,TN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh bình trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban VH,GD,TN,TN&NĐ của Quốc hội thì tại phiên họp vào chiều ngày 5.11 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Thư viện.

 

 

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thư viện

“Nhìn chung, các vị đại biểu Quốc hội thống nhất cao với những nội dung cơ bản của dự thảo Luật và đóng góp ý kiến vào một số điều, khoản cụ thể để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua. Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo Luật”, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình khẳng định.

 

 

Theo báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Phan Thanh Bình trình bày thì UBTVQH xin báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Thư viện về mạng lưới thư viện (Mục 1 chương II); về thành lập thư viện (Mục 2 Chương II); về hoạt động thư viện (Chương III); về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện (Chương IV); về chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện (Điều 5); về quản lý nhà nước về thư viện.

 

 

Cũng theo Chủ nhiệm Phan Thanh Bình, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ VHTTDL trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thư viện, nghiên cứu, ứng dụng và nhân rộng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong hoạt động thư viện. UBTVQH nhận thấy việc phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học - công nghệ cho hệ thống thư viện là cần thiết và thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức liên quan. UBTVQH đã chỉ đạo quy định Bộ VHTTDL và một số Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia và nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực thư viện (điểm c khoản 2 Điều 48 và Điều 49).

"Có ý kiến đại biểu đề nghị chỉnh sửa quy định trách nhiệm của Bộ VHTTDL về xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho phù hợp với trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh sửa quy định về xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thể hiện như dự thảo Luật”, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nói.

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Nguồn: http://baovanhoa.vn/

 

Từ khóa: