Liệt sĩ Trần Văn Sắc được đặt tên đường tại phường Thảo Điền, Thành phố Thủ Đức

bởi quản trị viên | Ngày đăng: 30-06-2022


      Để góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn. Đồng thời, thể hiện sự trân trọng, giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và tuyên truyền, giáo dục cho hội viên, đoàn viên, thanh niên và học sinh về tiểu sử các danh nhân, nhân vật lịch sử, địa danh được đặt tên đường trên địa bàn phường Thảo Điền. Ngày 25/4/2021, Đảng ủy - UBND phường Thảo Điền trân trọng tổ chức Lễ đặt tên đường trên địa bàn phường. Theo đó, tuyến đường mang tên Liệt sĩ Trần Văn Sắc có chiều dài: 345m, lộ giới 13m (Đường Trần Văn Sắc được đặt thay thế đường 44 Thảo Điền Quận 2 cũ).

Đường Trần Văn Sắc tại phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

      Ngày 9/6/2022, Trung tâm Thông tin, Thư viện Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh nhận được tập tài liệu về sự kiện đặt tên đường Trần Văn Sắc tại phường Thảo Điền, TP.Thủ Đức (Nơi Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh đặt cơ sở 1) do ông Trần Tử Trung - Nguyên cán bộ Ban kinh tế Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, là con trai của Liệt sĩ Trần Văn Sắc trao tặng. Trung tâm Thông tin, Thư viện Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc một số thông tin để tìm hiểu thêm về Liệt sĩ Trần Văn Sắc và con đường mang tên ông tại phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức.

      Tác phẩm hội họa nổi tiếng “Nông dân và trâu mùa nước nổi đồng bằng sông Cửu Long”, vẽ năm 1930.

      Sơ nét tiểu sử Liệt sĩ Trần Văn Sắc (1911 - 1949)

     Ông Trần Văn Sắc vốn là họa sĩ, là chiến sĩ cách mạng thời kỳ 1930. Tên thật của ông là Trần Văn Nghiêm, ông sinh ngày 27-10-1911, quê quán tại Trường Long, Cần Thơ. Năm ông 20 tuổi (năm 1931), ông là học sinh trường Họa - Gia Định, tham gia phong trào cách mạng. Ngày 01/4/1931, ông bị địch bắt tại trụ sở Ấn loát của Xứ ủy Nam Kỳ (tại Chợ Lớn) cùng với 3 đảng viên cộng sản: Ung Văn Khiêm, Phan Hữu Trinh, Lê Hiên, hơn một năm sau đó (ngày 13/4/1932), ông được địch thả ra. Sau khi ra tù, ông tiếp tục hoạt động cách mạng và bị mật thám Pháp nhận xét là một trong số những nhà hoạt động tích cực ở Long Xuyên và Cần Thơ. Ông đã từng thọ giáo cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Bác Hồ) vào năm 1928 khi tham gia Tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Ngày 27/11/1938, Hội nghị tổ chức tại Chợ Gạo, Mỹ Tho để bầu Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ, ông là một trong số 11 đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ lâm thời Xứ ủy Nam Kỳ. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông đã từng nhiều lần bị địch bắt giam. Ông là tác giả của tác phẩm hội họa nổi tiếng “Nông dân và trâu mùa nước nổi đồng bằng sông Cửu Long”, vẽ năm 1930. Ông hy sinh ở chiến khu Cần Thơ - Rạch Giá năm 1949. 

 Hoàng Hải.

 

Từ khóa:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN