bởi quản trị viên | Ngày đăng: 16-04-2024
VHSO - “Muốn phát triển văn hóa đọc chúng ta cần phải thay đổi tư duy, nhận thức về sách: Phải tôn trọng sách, yêu sách và trân quý sách như một món quà giá trị. Có yêu sách, tôn trọng và trân trọng sách chúng ta mới đặt sách vào những không gian trưng bày trang trọng để tạo cảm hứng cho người đọc đọc sách và biến những cuốn sách được trưng bày như một tác phẩm nghệ thuật để người đọc thưởng lãm…” Đó là phát biểu của PGS.TS. Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh tại Khai mạc “Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2024” do Trung tâm Thông tin, Thư viện Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào sáng ngày 15/4/2024.
PGS.TS. Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu phát động phong trào đọc sách tại Khai mạc “Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2024”.
Theo ThS. Nguyễn Hải Gian, Phó Giam đốc, Trung tâm Thông tin, Thư viện Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4); Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4). Trung tâm Thông tin, Thư viện Trường Đại học Văn hóa TP. HCM tổ chức các sự kiện như: Trưng bày, triển lãm tài liệu từ ngày 15/4/2024 đến ngày 22/4/2024; phát động phong trào tặng sách và xây dựng không gian đọc xanh tại 02 cơ sở đào tạo của nhà trường.
Một góc không gian trưng bày, triển lãm tài liệu tại cơ sở 1.
Trong những năm qua, Trung tâm Thông tin, Thư viện Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh đã làm tốt vai trò của mình trong phong trào phát triển văn hóa đọc trong Nhà trường và ngoài cộng đồng. Trung tâm Thông tin, Thư viện Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh là đơn vị được nhà trường giao nhiêm vụ xây dựng và phát triển phong trào văn hóa đọc trong toàn trường. Để thực hiện nhiệm vụ này, Trung tâm đã dành nhiều thời gian và công sức để tuyên truyền các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về hoạt động phát triển văn hóa đọc trên các kênh của Trung tâm Thông tin, Thư viện Nhà trường. Hằng năm, Trung tâm xây dựng kế hoạch tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào dịp 21/4 với nhiều hình thức khác nhau nhằm lan tỏa phong trào đọc sách trong toàn trường. Để thu hút người sử dụng thư viện đến với Trung tâm, Trung tâm Thông tin, Thư viện Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành cải tạo không gian thư viện theo hướng mở, tạo không gian đọc rộng rãi và thông thoáng; Tích cực bổ sung nguồn học liệu để đáp ứng nhu cầu người sử dụng thư viện (Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm có hơn 65,093 bản sách; 265 tài liệu nghe nhìn; 527 tên sách tài liệu điện tử; hơn 1000 tên tài liệu số và 124 tên báo, tạp chí); Tổ chức giới thiệu sách hay, tài liệu mới hàng tháng trên hệ thống website thư viện; Đầu mỗi năm học, Trung tâm tổ chức gặp gỡ, giới thiệu về Trung tâm Thông tin, Thư viện và hướng dẫn sử dụng thư viện cho các đối tượng người sử dụng thư viện là sinh viên năm nhất mới vào trường nhập học; Vào các ngày lễ lớn, Trung tâm tổ chức chiếu phim tài liệu để truyền thông cho các sự kiện quan trọng của đất nước; Thường xuyên tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm giới thiệu tài liệu hay, tài liệu quý; Liên kết với Sở khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh; Trung tâm Kết nối Tri thức số để chia sẻ nguồn tài liệu dùng chung giữa các thư viện các trường đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và cả nước.
Khách tham quan không gian trưng bày, triển lãm tài liệu tại cơ sở 1 sáng 15/4.
Việc trưng bày, triển lãm tài liệu của Trung tâm đã góp phần vào việc phát triển văn hóa đọc và phong trào đọc sách trong toàn Trường Đại học Văn hóa TP. HCM một cách có chiều sâu, có sức lan tỏa và tạo nên nét đẹp đọc sách báo, từ đó phát triển nó thành một thói quen, một nhu cầu thiết yếu hàng ngày của mỗi cán bộ, giảng viên và học viên, sinh viên trong nhà trường./.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRƯNG BÀY, TRIỂN LÃM TÀI LIỆU
Hoàng Hải
BBT Website Trường Đại học Văn hóa TP.HCM